Viết cho anh - Kiatisuk người Đức.
27 Tháng 6 2014 lúc 1:51
Lâu lắm rồi mới xem một trận bóng trọn vẹn thế. Đồ Sơn không ti vi và mạng chậm rì.
Đức và Mỹ. Một trận đấu toan tính đấy chứ, và cuối cùng là vui cả làng. Đức đi tiếp và Mỹ theo chân. Không có nhiều dấu ấn đọng lại. Chỉ có một điều - chính xác là chỉ có một người, anh đã đi đến kỳ World Cup thứ 4 và xen kẽ là những mùa Euro nữa. Anh cứ lầm lũi, bền bỉ như vậy. Đều đặn ghi bàn, đều đặn nhảy Santo, đều đặn ghi vào lòng người hâm mộ theo cách khiêm tốn nhất - vì, chẳng ai bảo các bàn thắng anh ghi là đẹp. Nhưng qua 4 kỳ World Cup, đã 15 bàn thắng rồi đấy. Ronaldo cũng ghi 15 bàn, và sẽ là khập khiễng nếu so sánh ai đó với Ronaldo. Nhưng hãy cứ nhìn số liệu đi, sẽ chẳng tiền đạo nào ngoài Ronaldo dám nhận là giỏi hơn anh. Nhưng nếu anh có bàn thắng thứ 16..., Miroslav Klose?.
Fan hâm mộ túc cầu thế giới gọi anh ngắn gọn là Miro, còn tôi, tôi đặt cho anh cái tên Kiatisuk người Đức (dù thực tế anh là gốc Ba Lan). Một tiền đạo Châu Âu và một tiền đạo Thái Lan có liên hệ gì với nhau nhỉ? Có đấy, mối liên kết được thành lập thông qua... bà chị của tôi. Chị không phải là người mê bóng đá. Nhưng là con gái, ai chẳng thích cầu thủ đẹp trai. Chị bảo, Klose đẹp trai giống...Kiatisuk. Sẽ chẳng có ông BLV nào đưa ra được nhận xét như thế, trừ các chị em gái. Mà đúng thật, nhìn cũng hao hao có nét giống. Mà khả năng ghi bàn nữa chứ. Kiati làm gió làm mưa ở vùng trũng Đông Nam Á thì Miro cũng đều đều ghi những bàn rất đơn giản ở trời Âu. Đặc biệt nhất là quả Santo. Cả 2 anh đều ăn mừng bàn thắng theo cách lộn nhào một vòng. Rất đặc trưng và ấn tượng. Tôi gọi anh là Kiatisuk nước Đức như thế.
Ngoắt đi ngoắt lại đã 10 năm tôi gán cho anh cái mác ấy. Từ cái thời chập chững ra Hà Nội thi cử, bóng đá đêm khuya xen những buổi ôn ngày. Là thời 3 chị em rong ruổi đạp xe đi học, tối lại rình coi một trận bóng. Thời gian ấy như đã trôi lâu lắm, nhưng có những điều vẫn đọng lại. Trong những điều ấy có Anh - Kiatisuk của chị em tôi vẫn còn đó, dù từ khuôn mặt búng ra sữa giờ đã vạch những nếp nhăn bên mắt. Và, từ khi chỉ là thần tượng của các cô gái trẻ, anh giờ đã là hình mẫu của rất nhiều người, trong đó có tôi, về tính chuyên nghiệp và sự bền bỉ. Anh vẫn còn đó, ra sân thi đấu, nồng nhiệt như ngày nào.
Lâu lâu, tôi vẫn vào Wiki kiểm tra xem số bàn thắng của anh ở đội tuyển Đức, mong một ngày anh sẽ vượt qua Muller. Cuối cùng anh đã làm được. Bây giờ tôi lại dõi theo anh, như một người Đức hay chí ít như một người Ba Lan (hay biết đâu đấy một người Thái Lan nhỉ!), chờ anh phá những cột mốc mới ở tuổi 36. Dù anh có không làm được điều đó trong kỳ World Cup cuối cùng này, với tôi anh vẫn là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất. Thế mới biết, bóng đá đâu chỉ đẹp ở những cầu thủ kỹ thuật mà còn đẹp ở những người chuyên nghiệp, dễ mến, đồng đội và khiêm nhường.
Dù không phải là lúc cháy với bóng đá nữa, nhưng lâu lâu muốn làm trẻ con để nghí ngoáy linh tinh như vậy. Một đêm bước chân về gác nhỏ.
Màu cam nhạt.
30 Tháng 6 2014 lúc 1:59
Một ly cam carrot giữa trưa nắng Brazil là nhạt nhẽo? Dù có như vậy cũng không thể nhạt hơn buổi trình diễn của Hà Lan ở Fortaleza.
Đó là một Hà Lan mà nếu mặc một màu áo khác thay vì màu cam ấy, khán giả sẽ dễ bị nhầm với một đội bóng tầm tầm nào đó. Cả trận chỉ có một vài cơ hội, phát sinh từ những tình huống cố định, ta đang nói về Mỹ hay Đan Mạch đấy chứ? Nhưng ngay cả 2 đội bóng này, tính tổ chức vẫn tốt hơn Hà Lan một bậc. Đơn giản là vì họ là những đội bóng trung bình khá, biết mình biết người nên luôn đề cao tinh thần tập thể với lối chơi khoa học. Thế còn Hà Lan, cơn lốc ngày nào đang ngự trị ở đâu? Trung bình khá thì không phải, nhưng xếp đội bóng ấy vào hàng giỏi thì có vẻ hơi quá tầm. Chơi vơi như vậy, cơn lốc không biết triển khai lối chơi thế nào, nên phòng ngự thì lỏng mà tấn công thiếu sắc.
Chỉ có một đội bóng trên thế giới chọn màu cam làm màu truyền thống, và thực sự màu cam ấy đang chết!
Trở lại Fortaleza, Hà Lan đã khác xưa nhiều lắm. Đội bóng này sẽ không còn đủ khả năng chơi những trận đấu đã xếp vào hàng kinh điển như với Argentina năm 1998, hay chí ít là một trận kịch chiến trong mưa thẻ như với Bồ Đào Nha năm 2006. Nếu như trước đây, cơn lốc hiên ngang chỉ bị khuất phục trên chấm 11m trước những đối thủ cùng cơ như Brazil hay Italia, thì bây giờ họ chật vật đầy may mắn vượt qua Mexico hay những đội bóng chưa bao giờ được xếp ngang hàng. Rồi đây, dù là Hy Lạp hoặc Costa Rica, sẽ chẳng khó cho Hà Lan góp mặt trong 4 đội mạnh nhất. Nếu suôn sẻ như vậy, Hà Lan sẽ còn đá ở mùa World Cup này 3 trận nữa. Nhưng, càng xem sẽ rồi càng nhớ. Vẫn biết, chẳng có giá trị nào tồn tại mãi, một đội bóng cũng như một nền văn minh, một dân tộc, hay một con người phải có lúc thăng, lúc trầm. Nhưng sao đôi khi những giá trị cũ quá lung linh làm lu mờ cả thực tại?
Trở lại Fortaleza, không chỉ cam nhạt, mà xanh lục cũng phai. Đâu còn một Mexico vừa có nét hoang dại, vừa lì lợm nữa? Ai còn nhớ Mexico ấy đã dũng cảm cầm hòa chính Hà Lan 2-2 ở vòng bảng World Cup 1998 nhờ bàn thắng phút thứ 90 của tóc vàng Hernandez để đi tiếp vào vòng sau? Mexico bây giờ cũng như một đội bóng Châu Âu, thực dụng trong tư tưởng "dẫn trước là phòng ngự".
Brazil đầy nắng, nhưng lạnh lẽo vì chưa thấy màu nào thắm lại.
_ Của anh_
Khi người ta yêu, mọi thứ đều rất khác...Nhất là sự quan tâm, luôn bằng một cách nào đó dù ít hay nhiều. Trong tình yêu, bận rộn không phải là lý do cho sự hời hợt.
Hi vọng trận chung kết có thể cùng anh lê la quán Cf nào đó.
~N.n~ Lại những ngày bận rộn..